Có thể xét xử khi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại vắng mặt lần thứ nhất

  • By:ldaquantri
  • 0 Comment

MAI TRỌNG THAO (TAQS Khu vực Quân chủng Hải quân) – Sau khi nghiên cứu bài viết “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại vắng mặt lần thứ nhất: Hoãn phiên tòa hay tiếp tục xét xử?” của tác giả Dương Tấn Thanh đăng trên Tạp chí ngày 25/02/2021, tôi đồng ý với quan điểm Tòa án có thể tiếp tục xét xử trong trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại vắng mặt lần thứ nhất.

1. Về sự tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là người dưới 18 tuổi.

Căn cứ khoản 1 Điều 84 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS năm 2015) thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại là người được bị hại, người đại diện của bị hại nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Điểm i khoản 2 Điều 62 BLTTHS năm 2015 quy định bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Đối với trường hợp bị hại là người dưới 18 tuổi, thì theo khoản 1 Điều 9 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 của TANDTC về xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi (Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC) quy định: “1. Người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ của họ có quyền nhờ những người sau đây bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi: a) Luật sư; b) Trợ giúp viên pháp lý; c) Bào chữa viên nhân dân; d) Người khác”.

Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC cũng quy định: “Tòa án phải thông báo cho người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ của họ về quyền nhờ những người quy định tại khoản 1 Điều này bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi. Trường hợp họ không lựa chọn được người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại nhưng có văn bản đề nghị thì Tòa án yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi”.

 Như vậy, việc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là người dưới 18 tuổi là quyền của bị hại hoặc cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ của họ.

 Tòa án có nghĩa vụ thông báo cho bị hại hoặc cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ của họ về quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, Tòa án chỉ yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi khi có văn bản đề nghị của bị hại hoặc hoặc cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ của họ.

Từ những quy định trên có thể thấy pháp luật không có quy định nào bắt buộc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại là người dưới 18 tuổi phải tham gia tố tụng. Việc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là người dưới 18 tuổi do bị hại hoặc cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ của họ quyết định, họ có thể lựa chọn không nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Vì vậy quan điểm thứ hai cho rằng việc tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại là người dưới 18 tuổi là bắt buộc là chưa chính xác.

 2. Trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại vắng mặt

Căn cứ Điều 297 BLTTHS năm 2015 về hoãn phiên tòa, thì không có quy định nào về trường hợp hoãn phiên tòa nếu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nói chung (bị hại là người dưới 18 tuổi nói riêng) vắng mặt tại phiên tòa lần thứ nhất.

 Mặt khác, căn cứ Điều 305 BLTTHS năm 2015 có quy định: “Chủ tọa phiên tòa phải hỏi Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa xem có ai yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng, tài liệu ra xem xét hay không. Nếu có người tham gia tố tụng vắng mặt hoặc tuy có mặt tại phiên tòa nhưng vì lý do sức khỏe không thể tham gia tố tụng thì chủ tọa phiên tòa phải hỏi xem có ai yêu cầu hoãn phiên tòa hay không; nếu có người yêu cầu thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định”.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại là người tham gia tố tụng, trong trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại vắng mặt thì chủ tọa phiên tòa phải hỏi xem có ai yêu cầu hoãn phiên tòa hay không; nếu có người yêu cầu thì Hội đồng xét xử (HĐXX) sẽ xem xét, quyết định.

Pháp luật không có quy định nào về trường hợp hoãn phiên tòa nếu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nói chung (bị hại là người dưới 18 tuổi nói riêng) vắng mặt tại phiên tòa nên Hội đồng xét xử có thể xem xét quyết định hoãn phiên tòa hoặc tiếp tục xét xử trên cơ sở nội dung vụ án, điều kiện, hoàn cảnh thực tế. Đây là trường hợp pháp luật chưa có quy định cụ thể, nhưng đã trao thẩm quyền quyết định cho Hội đồng xét xử, tạo tính mềm dẻo, linh hoạt khi tiến hành xét xử.

Trở lại nội dung vụ án: Ngày 25/12/2020, Tòa án nhân dân huyện X đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích”. Trong vụ án này có bị hại là người chưa thành niên nên Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Y đã cử ông A là Trợ giúp viên để làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại là người dưới 18 tuổi. Tại phiên tòa lần thứ nhất, ông A vắng mặt nhưng không rõ lý do.

Tôi cho rằng tại phiên tòa, nếu cha mẹ của bị hại và bị hại có yêu cầu hoãn phiên tòa thì HĐXX xem xét, quyết định hoãn phiên tòa hoặc tiếp tục xét xử trên cơ sở nội dung vụ án, hay bị hại hoặc người đại diện của họ có tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình không… Tuy nhiên, khi cha mẹ của bị hại và bị hại có yêu cầu hoãn phiên tòa thì HĐXX nên hoãn phiên tòa nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại là người dưới 18 tuổi một cách tốt nhất.

Nếu cha mẹ của bị hại và bị hại thống nhất không cần sự có mặt của ông A, không có yêu cầu hoãn phiên tòa thì HĐXX tiếp tục xét xử theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, việc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là người dưới 18 tuổi là quyền của bị hại và cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ của họ, trong trường hợp này HĐXX cần giải thích rõ về quyền và nghĩa vụ của họ, nếu họ đã nắm được quy đinh pháp luật và không cần người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì HĐXX nên tôn trọng việc thực hiện quyền của họ.

Trên đây là quan điểm trao đổi của tôi về trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại vắng mặt lần thứ nhất, xin đưa ra để trao đổi cùng bạn đọc.

Theo https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/co-the-xet-xu-khi-nguoi-bao-ve-quyen-va-loi-ich-hop-phap-cho-bi-hai-vang-mat-lan-thu-nhat

Posted in: Tin pháp luật

Comments

No Responses to “Có thể xét xử khi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại vắng mặt lần thứ nhất”

No comments yet.