(PLO)- Xét xử án hành chính trực tuyến có rất nhiều ưu điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên đương sự sắp xếp công việc tham gia phiên tòa được tốt hơn…
Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã mang lại nhiều cơ hội cho việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Tòa án mà trọng tâm là hoạt động xét xử cũng đang được hỗ trợ đắc lực bởi điều này, trong đó đáng chú ý là việc xét xử các vụ án hành chính theo hình thức trực tuyến.
Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 168 nền tài phán quốc gia có tổ chức xét xử trực tuyến bằng các ứng dụng công nghệ thông tin khác nhau như Google Meet, Zoom, Microsoft Teams… Như vậy, việc xây dựng, tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu tất yếu khách quan mà Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế. Tuy nhiên, chính trong bối cảnh giãn cách xã hội của đại dịch COVID-19 thì nhu cầu xét xử trực tuyến mới trở nên cấp thiết.
Kết nối giữa các điểm cầu được thực hiện thông suốt trong một phiên xử án hành chính trực tuyến tại TAND TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: THẾ GIANG |
Nếu như các vụ việc dân sự được xét xử trực tuyến một cách phổ biến từ khi Nghị quyết 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến có hiệu lực (ngày 1-1-2022) thì từ hai quý cuối năm 2022 đến nay đánh dấu sự mạnh dạn hơn trong xét xử trực tuyến các vụ án hành chính.
Xét xử trực tuyến các vụ án hành chính có rất nhiều ưu điểm. Trước hết, mô hình này tạo điều kiện thuận lợi cho người khởi kiện tham gia vào phiên tòa khi điều kiện địa lý xa xôi, không tiện di chuyển, không thể có mặt trực tiếp tại phiên tòa.
Với sự thay đổi về thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính hiện nay thì đa phần các tranh chấp hành chính bị khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết sơ thẩm của TAND cấp tỉnh. Trong khi đó, rất nhiều trường hợp người khởi kiện ở vùng sâu, vùng xa, muốn tham dự phiên tòa trực tiếp phải gánh gồng di chuyển hàng trăm cây số. Điều này gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc. Kế đến, về phía người bị kiện là các chủ thể thuộc về cơ quan công quyền, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến với các điểm cầu được thiết lập ở những nơi hợp lý (như tại cơ quan nơi người bị kiện làm việc) là một điều kiện quan trọng, bảo đảm sự có mặt của họ tại phiên tòa. Điều này khắc phục tình trạng người bị kiện vắng mặt, dẫn đến kết quả là phải hoãn phiên tòa.
Có ý kiến cho rằng phiên tòa trực tuyến sẽ không bảo đảm nguyên tắc tranh tụng vì tranh tụng không chỉ được thể hiện bằng lời nói mà còn thể hiện qua thái độ, cử chỉ, tâm lý, cảm xúc và sự tương tác kịp thời giữa các bên trong tố tụng. Điều này có tác động rất lớn đến niềm tin nội tâm của thẩm phán, hội thẩm cũng như các bên tham gia tố tụng.
Ý kiến này cũng có điểm hợp lý nhưng không phải vì vậy mà phủ định những điểm tích cực của việc xét xử trực tuyến đối với các vụ án hành chính. Nghị quyết 33/2021/QH15 quy định phiên tòa trực tuyến được áp dụng đối với các vụ án hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng. Ông bà ta có câu “nói phải, củ cải cũng nghe”, một khi vụ án có tính chất đơn giản, tài liệu, chứng cứ lại rõ ràng thì việc tranh tụng cho dù bằng con đường trực tuyến vẫn có thể được bảo đảm.
Nhìn chung, xét xử vụ án hành chính bằng phiên tòa trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi (về không gian, thời gian) cho các bên đương sự sắp xếp công việc tham gia phiên tòa được tốt hơn. Chính sự thuận tiện này góp phần giảm tải được bức xúc cho người khởi kiện, để từ đó có thể cùng nhìn nhận về vấn đề một cách đồng thuận hơn. Do đó, mô hình xét xử trực tuyến cần được nhân rộng trong tương lai.
TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Nguồn: https://plo.vn/can-phat-trien-manh-xet-xu-an-hanh-chinh-truc-tuyen-post735986.html
Comments
No Responses to “Cần phát triển mạnh xét xử án hành chính trực tuyến”
No comments yet.