Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 7-2022

  • By:ldaquantri
  • 0 Comment

(PLO)-  Từ tháng 7 này, nhiều chính sách mới về hóa đơn điện tử, bảo hiểm trong xây dựng… sẽ chính thức được đưa vào áp dụng.

Từ 1-7, nhà thầu xây dựng phải mua bảo hiểm cho bên thứ ba

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 20/2022 sửa đổi Nghị định 119/2015 về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng là trách nhiệm mua bảo hiểm của nhà thầu xây dựng.

Theo đó, từ ngày 1-7, nhà thầu thi công xây dựng ngoài việc phải mua bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường như trước đây, còn phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba.

Thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với bên thứ ba là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào hợp đồng xây dựng và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.

Khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà theo quy định của pháp luật nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho bên thứ ba đối với những thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng, tài sản phát sinh trực tiếp trong quá trình thi công xây dựng và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng là 100 triệu đồng cho một người trong một vụ và không giới hạn số vụ tổn thất.

Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) được xác định như sau:

– Đối với công trình có giá trị dưới 1.000 tỉ đồng, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) là 10% giá trị công trình cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.

– Đối với công trình có giá trị từ 1.000 tỉ đồng trở lên, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) là 100 tỉ đồng cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.

Tăng mức phạt vi phạm về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Ngày 6-6, Chính phủ ban hành Nghị định 37/2022 về sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (có hiệu lực từ ngày 22-7).

Trong đó, Nghị định 37 sửa đổi Nghị định 120/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu với nhiều điểm mới về mức phạt khi vi phạm trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Cụ thể, phạt tiền từ 10 – 12 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe NVQS của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện mà không có lý do chính đáng (hiện nay quy định mức phạt từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng).

Tăng mức phạt từ 2-4 triệu đồng lên mức từ 15 – 20 triệu đồng đối các hành vi nhằm trốn tránh NVQS dưới đây:

– Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh NVQS.

– Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2 triệu đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe NVQS nhằm trốn tránh NVQS (Hiện không quy định mức tiền dưới 2 triệu đồng).

Đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe NVQS của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật NVQS mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền từ 12 – 15 triệu đồng.

Bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử từ 1-7

Nghị định 123/2020 quy định về hoá đơn, chứng từ sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ 1-7. Theo đó, hoá đơn giấy truyền thống chỉ được sử dụng đến hết ngày 30-6 và từ 1-7, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT).

Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc đối tượng ngừng sử dụng hóa đơn thì đăng ký sử dụng HĐĐT (bao gồm cả đăng ký HĐĐT bán tài sản công, HĐĐT bán hàng dự trữ quốc gia) thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT.

Trường hợp sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế không phải trả tiền dịch vụ thì có thể đăng ký sử dụng HĐĐT thông qua hai phương thức. Cụ thể, đăng ký qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc đăng ký qua tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT được Tổng cục Thuế ủy thác cung cấp dịch vụ HĐĐT có mã của cơ quan thuế không phải trả tiền dịch vụ.

Trường hợp doanh nghiệp là tổ chức kết nối chuyển dữ liệu HĐĐT theo hình thức gửi trực tiếp đến cơ quan thuế thì đăng ký sử dụng HĐĐT thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Từ năm 2023, áp dụng quy định mới về cộng điểm ưu tiên

Quy định mới về điểm ưu tiên là một trong những nội dung nổi bật tại Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư 08/2022 ngày 10/6/2022 của Bộ GD&ĐT.

Quy chế tuyển sinh mới nhìn chung vẫn giữ nguyên các đối tượng và mức cộng điểm ưu tiên như các năm trước.

Tuy nhiên từ năm 2023, thí sinh chỉ được cộng điểm ưu tiên khu vực trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

Đồng thời, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau:

Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên

Như vậy, theo công thức này, thí sinh có tổng điểm ba môn càng cao (từ 22,5 điểm trở lên) thì càng được cộng ít điểm ưu tiên.

Thông tư 08/2022 có hiệu lực từ ngày 22-7.

Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức kế toán, thuế, hải quan

Từ ngày 18-7, Thông tư 29/2022 của Bộ Tài chính quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ sẽ chính thức được áp dụng.

Theo đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với các công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan đã có sự thay đổi. Thông tư 29 đã không còn yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với tất các vị trí.

Thay vào đó, công chức là kế toán viên, kiểm tra viên thuế, kiểm tra viên hải quan chỉ cần đảm bảo có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Ngoài những chính sách nêu trên, từ tháng 7-2022, nhiều quy định mới về lương tối thiểu vùng, bảo hiểm xã hội cũng sẽ chính thức có hiệu lực.

Theo: https://plo.vn/chinh-sach-moi-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-7-2022-post686492.html

Posted in: Uncategorized

Comments

No Responses to “Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 7-2022”

No comments yet.